World Cup là ngọn lửa bóng đá lớn nhất hành tinh, nơi các quốc gia tranh tài để khẳng định sức mạnh và bản sắc. Ra đời năm 1930, giải đấu này đã viết nên những chương sử hào hùng, khiến hàng triệu người hâm mộ say mê. Hãy cùng GO2THEWORLDCUP khám phá nguồn gốc của World Cup trong bài viết này nhé.
Giới thiệu về World Cup
World Cup là giải vô địch bóng đá thế giới dành cho các đội tuyển quốc gia nam mạnh nhất, được tổ chức 4 năm một lần bởi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Giải đấu trở thành sự kiện thể thao có lượng người theo dõi lớn nhất hành tinh.
Ra đời từ năm 1930, World Cup là nơi để các quốc gia thể hiện sức mạnh bóng đá, khẳng định bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc.

Trước khi World Cup ra đời
Bóng đá bắt đầu phổ biến mạnh mẽ từ nước Anh và nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, Nam Mỹ và các châu lục khác vào cuối thế kỷ 19. Sự ra đời của các liên đoàn bóng đá quốc gia, các giải đấu trong nước và quốc tế giúp bóng đá trở thành môn thể thao vua. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, sân chơi ở cấp độ quốc tế vẫn chưa được tổ chức chính thức và đều mang tính nghiệp dư.
Trước khi World Cup xuất hiện, các giải bóng đá quốc tế chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ Olympic, nơi các đội chỉ bao gồm những cầu thủ nghiệp dư. Mặc dù Olympic tạo ra sân chơi đầu tiên cho bóng đá quốc tế, nhưng nó vẫn còn giới hạn về quy mô và không phản ánh đúng trình độ của các nền bóng đá chuyên nghiệp đang trỗi dậy.
Nhu cầu tổ chức một giải đấu riêng biệt, quy tụ các đội tuyển quốc gia với đầy đủ thành phần mạnh nhất, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh đầu thế kỷ 20. Chính điều đó đã thúc đẩy sự ra đời của World Cup – một giải đấu mang tính toàn cầu, có tính chuyên nghiệp và cạnh tranh cao hơn Olympic.
Ý tưởng và người khai sinh World Cup
Không thể không nhắc đến hai nhân vật có công lao lớn trong việc khai sinh ra World Cup là Chủ tịch FIFA Jules Rimet và Tổng thư kí Liên đoàn bóng đá Pháp thời bấy giừ Henry Delaunay.
Hội nghị Amsterdam 1928
Henry Delaunay từ lâu đã ấp ủ mong muốn tổ chức một giải vô địch thế giới cho bóng đá. Ông tin rằng bóng đá cần một giải đấu xứng tầm để các quốc gia tranh tài ở cấp độ cao nhất, vượt ra ngoài giới hạn của Olympic.
Ý tưởng của Delaunay nhận được sự ủng hộ từ Jules Rimet. Tại Đại hội FIFA năm 1928 tại Amsterdam, Rimet đã thuyết phục các thành viên FIFA thông qua kế hoạch tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới độc lập với Olympic. Ý tưởng nhận được 25 phiếu thuận và chỉ 5 phiếu chống. Từ đây, World Cup chính thức ra đời.
Chiếc cúp đầu tiên
Chiếc cúp tượng trưng cho danh hiệu vô địch World Cup ban đầu được gọi là cúp Victory (có nghĩa Chiến thắng), tới năm 1946 được đổi tên thành Jules Rimet nhằm kỉ niệm vị chủ tịch FIFA đầu tiên, người có công lớn khai sinh ra giải đấu.
Trước năm 1970, FIFA qui định không đội tuyển nào giữ chiếc cúp vĩnh viễn, cứ sau 4 năm lại chuyển sang cho nhà vô địch khác. Năm 1970, sau 3 lần vô địch, như trong điều lệ quy định, Brazil đã được trao tặng vĩnh viễn chiếc cúp Jules Rimet. Nhưng vào năm 1983, chiếc cúp bị… đánh cắp từ bảo tàng quốc gia Brazil và bị nấu chảy.
Năm 1974, FIFA đặt làm một chiếc cúp mới bằng vàng, phần thân mô tả hai người đang nâng giữ Trái Đất, phần đế khắc dòng chữ “FIFA World Cup”. Đây là cúp luân lưu, tức không đội tuyển nào có thể đoạt vĩnh viễn. Những đội vô địch sẽ được trao tặng chiếc cúp mẫu thu nhỏ để trưng bày và giữ cúp chính thức trong thời gian giữa 2 kì World Cup.

World Cup 1930: Giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên
Sau thành công và tiếng vang từ các giải bóng đá do Olympic tổ chức, FIFA đã xúc tiến việc tổ chức một giải đấu của riêng mình, quy tụ những đội tuyển và cầu thủ mạnh nhất thế giới.
Những thách thức ban đầu
Kì World Cup đầu tiên được ấn định tổ chức vào hè năm 1930. Quốc gia được trao quyền đăng cai là Uruguay. Sở dĩ vậy bởi Uruguay là nhà vô địch bóng đá 2 kì Olympic gần nhất trước đấy và năm 1930 đánh dấu kỉ niệm 100 năm đất nước này độc lập.
Tuy nhiên, việc tổ chức ở một quốc gia Nam Mỹ khiến các đội tuyển châu Âu ngần ngại vì chi phí di chuyển cao và hành trình xa xôi. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực thuyết phục từ Chủ tịch FIFA Jules Rimet, bốn đội châu Âu đã thực hiện chuyến đi. Tổng cộng, 13 quốc gia đã tham gia World Cup 1930 gồm: 7 cái tên thuộc khu vực Nam Mỹ (Uruguay, Argentina, Brazil, Bolivia, Paraguay, Chile), 4 đội từ Châu Âu (Pháp, Romania, Nam Tư, Bỉ) và 2 đội tuyển đến từ Bắc Mỹ (Hoa Kì, Mexico).

Trận chung kết lịch sử
13 đội tham dự World Cup 1930 được chia vào 4 bảng, với 4 đội đầu bảng vào bán kết. Uruguay và Argentina vượt qua Nam Tư và Hoa Kỳ (đều 6-1) để gặp nhau ở chung kết tại sân Estadio Centenario, Montevideo, trước hơn 90.000 khán giả. Uruguay mở tỷ số ở phút 12 nhờ Pablo Dorado, nhưng Argentina lật ngược 2-1 trước giờ nghỉ. Sang hiệp hai, lợi thế sân nhà giúp Uruguay bùng nổ, ghi 3 bàn để thắng 4-2, trở thành nhà vô địch World Cup đầu tiên. Không khí Montevideo như nổ tung, đánh dấu cột mốc lịch sử.
Sự phát triển qua các thập kỷ
Quá trình diễn ra các vòng chung kết World Cup được chia làm hai thời kỳ.
Từ 1930 đến Thế chiến II
World Cup 1934 tại Ý là lần đầu tiên châu Âu đăng cai, nhưng giải đấu bị chỉ trích vì sự can thiệp của chính quyền phát xít Mussolini, giúp Ý vô địch. World Cup 1938 tại Pháp bị các đội Nam Mỹ tẩy chay vì FIFA ưu ái châu Âu. Chiến tranh Thế giới thứ hai khiến World Cup 1942 và 1946 bị hủy.
World Cup trở lại năm 1950 tại Brazil, với sự tham gia lần đầu của Vương quốc Anh (gia nhập lại FIFA năm 1946 sau tranh cãi về luật bóng đá). Giải đấu chứng kiến “Maracanazo” huyền thoại, khi Uruguay ngược dòng thắng Brazil 2-1 tại sân Maracanã trước 200.000 khán giả, gây cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá.

Trở lại và bùng nổ
Từ 1934 đến 1978, World Cup có 16 đội, trừ 1938 (15 đội do Áo sáp nhập vào Đức) và 1950 (13 đội do Ấn Độ, Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ rút lui). Năm 1982, giải mở rộng lên 24 đội và đến 1998 là 32 đội, phản ánh sự phát triển của bóng đá toàn cầu. Các đội châu Phi (Cameroon, Senegal, Ghana), châu Á (Hàn Quốc) và Bắc Mỹ (Mexico, Hoa Kỳ) bắt đầu tỏa sáng, với Hàn Quốc (đồng chủ nhà 2002) và Morocco (2022) vào bán kết – cột mốc lịch sử cho châu Á và châu Phi.
Dù vậy, châu Âu và Nam Mỹ vẫn thống trị, giành cả 22 chức vô địch. Brazil dẫn đầu với 5 danh hiệu (1958, 1962, 1970, 1994, 2002), theo sau là Ý và Đức (4 danh hiệu mỗi đội).
World Cup 2026, tổ chức tại Mỹ, Canada và Mexico, sẽ là giải đấu đầu tiên có 3 quốc gia đồng đăng cai và mở rộng lên 48 đội. Đây là bước tiến lớn, hứa hẹn mang đến những trận cầu kịch tính và cơ hội cho các nền bóng đá mới. Lễ hội bóng đá Bắc Mỹ đang được cả thế giới mong chờ.
Kết bài
World Cup đã có lịch sử gần một trăm năm với 22 vòng chung kết được tổ chức trên khắp các châu lục. Qua bài viết trên, chúng ta đã hiểu hơn về lịch sử của “món ăn tinh thần” thượng hạng mà những tín đồ túc cầu giáo phải chờ đợi bốn năm thưởng thức một lần. Kỳ World Cup sắp tới sẽ diễn ra vào năm 2026 tại Mỹ, Mexico, Canada. Các bạn hãy theo dõi chuyên trang GO2THEWORLDCUP để biết thêm thông tin về các đội tuyển tham dự nhé.