22 vòng chung kết World Cup đã mang lại những trận đấu đỉnh cao, nơi các khoảnh khắc nghẹt thở và tranh cãi định hình lịch sử bóng đá. Từ cú sốc Tây Đức 1954, tuyệt tác Joga Bonito của Brazil 1970, đến màn rượt đuổi điên rồ Argentina-Pháp 2022, GO2THEWORLDCUP chọn ra 5 trận chung kết World Cup kịch tính nhất, dựa trên số bàn thắng, lội ngược dòng, và cảm xúc khán giả. Hãy cùng sống lại những giây phút bất tử trong bài viết này nhé!
1. Brazil 4-1 Italia (1970)
Tại giải đấu diễn ra ở Mexico năm 1970, Brazil một lần nữa lọt vào trận chung kết sau khi làm điều này trong 2/3 kì World Cup gần nhất trước đó, trong khi Italia có lần đầu dự chung kết kể từ thời điểm đăng quang World Cup 1938.
Brazil năm 1970 sở hữu dàn cầu thủ tài năng, đồng đều với đầu tàu là “Vua bóng đá” Pele khi đấy 30 tuổi. Đội tuyển xứ Samba ra sân với sơ đồ đậm chất tấn công 4-2-4. Bộ tứ trên tuyến đầu gồm Pele, Tostao, Jairzinho, Rivellino. Pele “nổ phát súng” đầu tiên ở phút 18. Mười sáu phút sau, Italia gỡ hòa nhờ công tiền đạo Roberto Boninsegna.

Bàn gỡ đó là điều tốt nhất Italia làm được ở cuộc chạm trán này. Sang hiệp hai, Brazil thi triển lối tấn công dựa trên những đường chuyền ngắn, khả năng di chuyển và sự ăn ý giữa các cầu thủ. Nhờ vậy, “Selecao” ghi thêm ba bàn lần lượt thuộc về Gerson, Jairzinho, Carlos Alberto.
Đặc biệt, bàn ấn định kết quả 4-1 là một tuyệt tác về phối hợp. Sau khi đoạt được bóng của người Ý, các cầu thủ Brazil luân chuyển bóng qua 8 đường chuyền từ sân nhà đến vị trí của Pele ở trung lộ. Như biết trước, Pele thả bóng xuống khoảng trống ở nách trái hàng thủ Italia để hậu vệ cánh phải Carlos Alberto băng lên tung cú sút căng như kẻ chỉ đánh bại thủ môn Enrico Albertosi.
2. Argentina 3-2 Tây Đức (1986)
Diego Maradona là một tên tuổi lớn nhất nhì lịch sử bóng đá thế giới. Và chức vô địch World Cup 1986 là hành trình ngọt ngào nhất, danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp hiển hách của cố huyền thoại này.
Năm đó, gần như một mình Maradona đã kéo “con tàu” Argentina lên đỉnh. Sau khi dẫn đầu vòng bảng rồi lần lượt vượt qua Uruguay, Anh (trận đấu mà Maradona thực hiện hai bàn thắng để đời), Bỉ ở giai đoạn knock-out, Argentina của huấn luyện viên Carlos Bilardo bước vào cửa ải cuối cùng gặp Tây Đức.
Phút 23 trận chung kết, trung vệ Jose Luis Brown bật cao đội đầu trong tình huống cố định, mở tỉ số cho Argentina. Phút 56, trung phong Jorge Valdano hạ thủ thành Harald Schumacher bên phía Tây Đức trong thế đối mặt.

Bị dẫn hai bàn, Tây Đức không còn cách nào khác phải vùng lên. Họ tích cực dùng bóng bổng để uy hiếp cầu môn đại diện Nam Mỹ. Nhờ vậy, đoàn quân được dẫn dắt bởi “Hoàng đế” Franz Beckenbauer kiếm về hai bàn đều từ các pha phạt góc. Phút 74, Tây Đức rút ngắn cách biệt nhờ công Karl Heinz Rummenige. Bảy phút sau, Rudi Voller đánh đầu cận thành san bằng tỉ số.
Tưởng như hai đội sẽ kéo nhau vào hiệp phụ. Nhưng đúng ba phút sau thời điểm bị gỡ hòa, Argentina lại vượt lên. Từ giữa sân, Diego Maradona tung ra đường chuyền loại bỏ toàn bộ hậu vệ Tây Đức, tạo điều kiện cho Jorge Burruchaga thoát xuống đánh bại Schumacher. Đây là bàn thắng cuối cùng của trận chung kết, Argentina thắng Tây Đức 3-2 và lần thứ hai giành cúp vàng.
3. Tây Đức 3-2 Hungary (1954)
Hungary được coi là đội tuyển mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Họ tiến một mạch tới trận chung kết World Cup năm 1954 diễn ra trên sân vận động Bern, Thụy Sĩ với 31 trận liên tiếp bất bại. Trong khi đó, Tây Đức bị đánh giá thấp hơn Hungary và không nhiều người đặt kỳ vọng cho thầy trò huấn luyện viên Sepp Herberger. Thậm chí ở vòng bảng, Tây Đức bị chính Hungary vùi dập với tỉ số… 2-8. Ngỡ tưởng Hungary sẽ “giải quyết” gọn ghẽ Tây Đức để lên ngôi. Nhưng, trận chung kết đã xảy ra kịch bản khác xa mường tượng của giới mộ điệu.
Hungary sớm khẳng định sức mạnh bằng việc dẫn Tây Đức 2 bàn trong chưa đầy mười phút sau tiếng còi khai cuộc. Huyền thoại Ferenc Puskas mở tỉ số rồi Zoltan Czibor nhân đôi cách biệt.

Dù vậy, với tinh thần thi đấu quật cường, Tây Đức bình tĩnh triển khai lối chơi và có bàn. Max Morlock và Helmut Rahn lần lượt “nổ súng” giúp Tây Đức san bằng cách biệt trước giờ nghỉ.
Sang hiệp hai, Tây Đức chủ động phòng ngự chặt nhằm kìm hãm sức công từ phía những Puskas, Kocsis, Hidegkuti… Họ thành công trước khi tạo ra bước ngoặt ở phút 84, cụ thể là tình huống làm bàn thứ hai của Helmut Rahn đưa Tây Đức vượt lên. Ít phút còn lại không đủ cho Hungary trấn tĩnh và lật ngược tình thế.
Chung cuộc, Tây Đức quật ngã Hungary với tỉ số 3-2, hoàn tất kỳ tích và có lần đầu tiên vô địch World Cup. Danh hiệu này đã mở ra trang sử chói lọi cho bóng đá Đức, làm bàn đạp để về sau “Cỗ xe tăng” thêm 3 lần lên đỉnh thế giới. Đến nay, cuộc lội ngược dòng của Tây Đức trước Hungary năm 1954 vẫn được coi là một trong những cú sốc lớn nhất lịch sử Cúp thế giới.
4. Anh 4-2 Tây Đức (1966)
Anh vốn được coi là “quê hương của bóng đá”. Tuy nhiên, đội tuyển quốc gia nước này mới có đúng một lần xưng vương tại các giải đấu lớn. Chiến tích này xảy ra ở vòng chung kết World Cup 1966, giải đấu người Anh làm chủ nhà.
Sau khi đứng đầu bảng A có những Uruguay, Mexico, Pháp, Anh bước vào giai đoạn loại trực tiếp và lần lượt đánh bại Argentina, Bồ Đào Nha để ghi tên mình vào trận chung kết. Đối thủ cuối cùng của thầy trò huấn luyện viên Alf Ramsey là Tây Đức, đội bóng trước đấy đã một lần nâng cao cúp vàng thế giới vào năm 1954.
Chín mươi phút của trận chung kết trên sân Wembley là màn đôi công hấp dẫn, nhiều bàn thắng giữa Anh và Tây Đức. Helmut Haller mở tỉ số cho Đức ngay phút 12. Sáu phút sau, tiền đạo chủ công của tuyển Anh, Geoff Hurst đưa hai đội về vạch xuất phát. Không có bàn nào được ghi thêm cho tới gần cuối trận. Phút 78, Martin Peters đưa Anh dẫn ngược. Nhưng vào phút 89, Wolfgang Weber kịp gỡ hòa, ấn định tỉ số 2-2 trong giờ thi đấu chính thức.

Sang hiệp phụ, Anh một lần nữa vượt lên nhờ bàn thắng đầy tranh cãi ở phút 101 của Geoff Hurst. Đón quả tạt từ cánh phải, cố huyền thoại của câu lạc bộ West Ham xử lí bóng khéo léo để loại bỏ hậu vệ Tây Đức và xoay người tung cú sút căng. Bóng chạm mép dưới xà ngang bật xuống vạch vôi rồi nảy ra ngoài. Công nghệ Goal-line hay VAR khi đó chưa xuất hiện. Trọng tài với sự tự tin vào khả năng quan sát của mình đã công nhận bàn thắng. Đến giờ, vẫn có nhiều người gọi đây là “bàn thắng ma” của tuyển Anh. Được đà tâm lí, đội chủ giải làm tung lưới Tây Đức thêm một lần vào phút 120, vẫn nhờ công Geoff Hurst.
Chung cuộc, Anh đánh bại Tây Đức với tỉ số 4-2 qua đấy lên đỉnh World Cup lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay.
5. Pháp 3-3 Argentina (2022)
Trận chung kết được đánh giá là hay nhất lịch sử World Cup là cuộc chạm trán năm 2022 trên đất Qatar giữa Argentina và Pháp – tái hiện màn so tài ở vòng 1/8 cách đấy bốn năm. Trận chung kết diễn ra tại sân vận động Lusail đem lại nhiều cung bậc cảm xúc và thách thức mọi dự đoán của giới chuyên môn lẫn cổ động viên.
Argentina khởi đầu như mơ với 2 bàn dẫn trước ngay trong hiệp một thuộc về Lionel Messi (từ chấm phạt đền) và Angel Di Maria (sau tình huống phản công thần tốc). Tuy nhiên, bản lĩnh của nhà đương kim vô địch không cho phép Pháp bỏ cuộc. Họ đã nỗ lực ngăn cản người Argentina có cơ hội được ăn mừng sau khi hai hiệp chính khép lại. Trong chưa đầy hai phút cuối trận, ngôi sao lớn nhất của Pháp, Kylian Mbappe, khẳng định đẳng cấp bằng việc lập cú đúp để đưa đôi bên vào hiệp phụ.

Trong ba mươi phút đá thêm, Argentina và Pháp không hề cho thấy dấu hiệu cù cưa hòng kéo nhau đến loạt luân lưu. Hai đội tiếp tục có những màn ăn miếng trả miếng. Đầu hiệp phụ thứ hai, Messi ghi bàn tái lập thế dẫn trước cho Argentina. Mười phút sau, từ chấm 11m, vẫn là Mbappe gỡ hòa 3-3 và hoàn tất cú hat-trick – điều hiếm hoi xảy ra trong một trận chung kết World Cup đồng thời buộc trận đấu phải phân định bằng luân lưu. Cũng phải nói thêm, trước khi hai hiệp phụ kết thúc, Argentina đã hút chết bởi vào phút 120+3, thủ môn Emiliano Martinez cứu thua xuất thần trước pha dứt điểm trong thế đối mặt của tiền đạo Kolo Muani.
Ở cuộc “đấu súng” cân não, Messi và các đồng đội tỏ ra bản lĩnh hơn. Đoàn quân của huấn luyện viên Lionel Scaloni hạ Pháp 4-2 qua đấy vô địch kì World Cup thứ 22. Đây cũng là chức vô địch thế giới thứ 3 trong lịch sử đội tuyển xứ sở Tango.
Từ “Phép màu Bern” 1954 đến màn rượt đuổi điện ảnh tại Lusail 2022, những trận chung kết này là tinh hoa của World Cup, nơi Pele, Maradona, Hurst, Messi, và Mbappé viết nên huyền thoại. Mỗi trận đấu là một câu chuyện về bản lĩnh, tranh cãi, và cảm xúc bất tận, khiến trái tim người hâm mộ rung động qua bao thế hệ. Trận chung kết World Cup 2026 tại MetLife Stadium sẽ thêm những chương sử nào? Bạn nghĩ đội nào sẽ tạo nên kỳ tích? Tham gia bầu chọn nhà vô địch cùng GO2THEWORLDCUP và chia sẻ khoảnh khắc yêu thích của bạn!